[2020] Đề xuất lùi lịch thi THPT Quốc gia đến tháng 8/2020

Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học và lùi thi THPT quốc gia là cần thiết vì thời điểm này, có thể nói việc nghỉ học hết tháng 3 khó tránh khỏi.
Bộ cần định hướng lại về nội dung đề thi
Diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 khiến hầu hết các địa phương (trừ Vĩnh Phúc) đến thời điểm này vẫn phải tiếp tục cho học sinh (HS) từ mầm non đến THCS nghỉ học, chưa có công bố khả thi về ngày trở lại trường. Một số tỉnh như Đồng Nai đã quyết định cho HS tạm nghỉ đến ngày 4.4. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cùng nhiều tỉnh, thành khác vẫn buộc phải cho toàn bộ HS, trong đó có HS cấp THPT, nghỉ học.
 
Do vậy, việc ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, nói nếu việc nghỉ học tiếp tục kéo dài đến tháng 4, Bộ GD-ĐT sẽ phải tính toán tiếp tục kéo dài thời gian năm học, trong đó điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia 2020, được dư luận rất đồng tình.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), ủng hộ việc lùi thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. “Điều đó có nghĩa là HS sẽ phải học vào giữa hè rất nắng nóng, nhưng quả thực nếu đi học vào thời điểm này với hàng nghìn HS mỗi trường thì cả nhà trường và phụ huynh đều không thể yên tâm”, bà Quỳnh nói.
“Nếu không công bố đề minh họa thì Bộ cần có định hướng lại về nội dung đề thi, không nên quá dàn trải, vì năm nay tình hình khác hẳn các năm trước. Các con không học trên lớp cũng không thể học thêm ở đâu ngoài một số giờ học trực tuyến, học trên truyền hình”, bà Quỳnh nêu quan điểm.
 
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết nghỉ học hết tháng 3 nếu không thay đổi tiếp kế hoạch thời gian năm học và lịch thi sẽ rất căng cho các nhà trường. Khi HS trở lại trường vào tháng 4 thì sẽ không thể nói là học tiếp tục một cách tịnh tiến, mà sẽ phải xây dựng một kế hoạch dạy bù, dạy học vào cả ngày nghỉ… thì mới kịp chương trình.
Nếu không điều chỉnh, học sinh phải học nhồi nhét
 
Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp, việc cắt xén chương trình là không thể đặt ra, nhất là nội dung đề thi THPT quốc gia bao phủ hết toàn bộ chương trình thì việc vừa học vừa ôn thi sẽ rất vất vả.
Bà Nhiếp cũng cho rằng Bộ cho phép các trường xây dựng kế hoạch dạy học của từng trường một cách phù hợp với điều kiện thực tế chứ không nhất thiết một bài học trong chương trình, cả nước phải dạy đủ bao nhiêu tiết. Ví dụ, một nội dung kiến thức chương trình xây dựng tối đa là 20 tiết thì các nhà trường có thể chỉ xây dựng trong 15 tiết mà vẫn đảm bảo HS đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng.
“Tuy nhiên, để làm được việc đó thì còn phụ thuộc vào năng lực của người dạy và năng lực tiếp thu của người học, nên không thể áp dụng cho tất cả giáo viên và HS được, vì học dồn dập quá, HS sẽ quá tải và không thể thu nạp kiến thức”, bà Nhiếp nêu thực tế.
 
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội), cho rằng nếu tính toán một cách cơ học thì nghỉ bao nhiêu sẽ phải kéo dài thời gian kết thúc năm học bấy nhiêu. Nếu không, sau khi HS trở lại trường, có thể tăng ca, tăng buổi (không nghỉ cuối tuần)... để dạy bù.
Tuy nhiên, trong giáo dục thì việc đó là phản khoa học. “Nếu bắt HS học dồn ép, nhồi nhét quá thì sẽ chỉ dạy cho đủ, cho hết chương trình chứ không có hiệu quả thực sự”, ông Hà nói, và bày tỏ việc kéo dài thêm thời gian để giảm căng thẳng cho các nhà trường là cần thiết, nếu việc nghỉ học còn buộc phải tiếp diễn. Bên cạnh đó, các trường cần xây dựng những chủ đề dạy học để tích hợp nội dung kiến thức liên quan ở các môn, vừa giúp tiết kiệm thời gian, HS lại dễ hiểu, dễ vận dụng kiến thức hơn.
 
Nguồn Báo Thanh niên.

Tin liên quan