Máy và tự động hóa xếp dỡ

NGÀNH KỸ THUẬT CƠ KHÍ

CHUYÊN NGÀNH MÁY VÀ TỰ ĐỘNG HÓA XẾP DỠ

MÃ CHUYÊN NGÀNH: D109

Tổ hợp xét tuyển:

A00 - Toán, Lý, Hóa    A01 - Toán, Lý, Anh    D01 - Toán, Văn, Anh    C01 - Toán, Văn, Lý

Các phương thức xét tuyển:

PT1 - Xét tuyển kết quả thi THPT; PT2 - Xét tuyển kết hợp; PT3 - Xét tuyển học bạ;

PT4 - Xét tuyển theo điểm thi ĐGNL hoặc ĐGTD; PT6 - Xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GDĐT

 

1. Mục tiêu đào tạo

Máy và Tự động hóa xếp dỡ bản thân nó là sự tích hợp của các hệ thống cơ cấu cơ khí-thủy lực, kết hợp điện - điện tử - tự động hóa. Vì thế, chương trình đào tạo (CTĐT) Máy và tự động hóa xếp dỡ cung cấp cho người học kiến thức tổng hợp về cơ khí, thủy lực và điều khiển để họ có đủ năng lực thiết kế, chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, kiểm tra, giám định và khai thác máy nâng chuyển nói riêng và các lĩnh vực cơ khí liên quan nói chung. Ngoài ra, CTĐT còn trang bị kiến thức hiện đại của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài kiến thức lý thuyết, CTĐT cung cấp kiến thức thực tế đa dạng và kỹ năng nghề nghiệp để có thể dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc trong giai đoạn hội nhập của nền kinh tế đất nước. Kiến thức, kỹ năng được tích lũy trong quá trình đào tạo dựa trên quan điểm giáo dục đại học của Thế kỷ 21 với bốn (04) trụ cột là: Học để biết (Learning to know); Học để làm (Learning to do); Học để trưởng thành (Learning to be); Học để chung sống (Learning to live together) (UNESCO).

2. Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất

CTĐT Máy và tự động hóa xếp dỡ được xây dựng theo Bộ tiêu chuẩn quốc tế CDIO. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp có khả năng hình thành ý tưởng (Conceive), thiết kế (Design), triển khai (Implement), vận hành (Operate) các sản phẩm, quy trình và hệ thống cơ khí phức tạp trong một môi trường hiện đại, làm việc nhóm.

 Đội ngũ giảng dạy là giảng viên có trình độ cao, tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín ở trong và ngoài nước, trong đó nhiều giảng viên có kinh nghiệm, nhiều năm giảng dạy và kinh nghiệm thực tế sản xuất các vấn đề trong kỹ thuật cơ khí.

Sinh viên, ngoài tham gia thực hành tại Trung tâm thực hành thí nghiệm cơ khí của Trường với nhiều trang thiết bị hiện đại, còn được tạo điều kiện để tham gia các chương trình tham quan, thực tập, kiến tập tại các xí nghiệp sản xuất. Với phương châm học thật để làm thật, Viện Cơ khí đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác về đào tạo - thực tập với các doanh nghiệp.

3. Cơ hội việc làm, khả năng thăng tiến trong công việc

Sinh viên sau tốt nghiệp có thể công tác tại: các viện nghiên cứu và thiết kế về cơ khí, cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và nghề); cơ quan giám sát và kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; cơ quan đăng kiểm; các cảng, xí nghiệp công nghiệp, trung tâm đầu mối giao thông, nhà máy đóng và sửa chữa tàu; các nhà máy cơ khí; các cơ quan quản lý trong lĩnh vực cơ khí, vận tải, các sở, phòng, ban khoa học - công nghệ. Các lĩnh vực kinh tế liên quan đến chuyên ngành được đào tạo trong phạm vi đa dạng như: trong và ngoài nước, dân sự và quốc phòng, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

4. Bằng cấp

Sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo, đảm bảo các chuẩn đầu ra và các điều kiện cấp bằng đại học khác theo quy định được cấp bằng Cử nhân ngành Kỹ thuật cơ khí, chuyên ngành Máy và tự động hóa xếp dỡ (thuộc hệ thống văn bằng quốc gia).

5. Mô tả Chương trình đào tạo và website liên quan

- Chi tiết mô tả chương trình đào tạo xem trong file đính kèm

- Thí sinh có thể tham khảo thông tin trên Website: http://vimaru.edu.vn

trang tuyển sinh http://tuyensinh.vimaru.edu.vn hoặc về Viện Cơ khí tại địa chỉ: www.sme.vimaru.edu.vn.

 

Tin liên quan