TẦM NHÌN VÀ SỰ MỆNH

Việt Nam là một quốc gia biển với 3.260 km đường bờ biển và trên 1.000.000 km2 lãnh hải, thềm lục địa tại một trong những vùng biển giàu tài nguyên và vận tải biển tấp nập nhất thế giới, có nguồn lợi chiến lược về an ninh - quốc phòng, năng lượng, khoáng sản, hải sản, vận tải biển, du lịch, . . .

Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với đất nước, trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước đã có chiến lược, quyết sách để phát triển kinh tế biển với mục tiêu chiến lược tổng quát là “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh” (Trích Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020).
Là cơ sở đào tạo đại học lớn nhất trong ngành Giao thông Vận tải của cả nước với trên 25.000 học viên đang theo học 20 chuyên ngành đại học, 6 chuyên ngành cao học, 3 chuyên ngành nghiên cứu sinh thuộc các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến kinh tế biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phấn đấu trở thành Đại học Quốc gia Hàng hải Việt Nam, với các mục tiêu cụ thể như sau:

-   Trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu trong khu vực cho các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến kinh tế biển; Có đủ khả năng đào tạo đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước; Tiến tới có khả năng thu hút được học viên từ các nước trong khu vực và thế giới, cũng như xuất khẩu giáo dục cho các nước trong khu vực.
-   Trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, định hướng, chuyển giao và ứng dụng công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới; Có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả ở khu vực Tiểu vùng sông Mê kông, các nước ASEAN và tiến tới có ảnh hưởng ở châu lục trong khoảng từ 7 đến 10 năm tới trong các lĩnh vực: Điều khiển tàu, Nghiên cứu phát triển máy tàu thủy, Quản lý đội tàu, Logistics và chuỗi cung ứng, Quản lý cảng, Thiết kế, đóng mới, sửa chữa tàu thủy và công trình nổi, Công trình biển và thềm lục địa, Bảo đảm an toàn hàng hải, Quản lý, bảo vệ môi trường thủy, Nghiên cứu biến đổi khí hậu và tác động của môi trường. . .
-  Trở thành trung tâm hàng đầu khu vực và tiến tới tầm châu lục về định hướng, phát triển, triển khai, thực nghiệm các công nghệ mới trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển và hải dương học phục vụ cho nhu cầu dân dụng và quân sự.Định hướng đổi mới quy mô và hình thức đào tạo
-  Tăng số chuyên ngành đào tạo, số lượng sinh viên các hệ, dự kiến quy mô đào tạo và đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong giai đoạn 2015 đến 2020 như sau:
Giai đoạn Quy mô tuyển sinh Tổng số sinh viên/học viên chính quy Đội ngũ cán bộ giảng dạy, NCKH
Đại học
Cao học
NCS
Đại học
Cao học
NCS
GS, PGS
TSKH, TS
ThS
Đến năm 2015
6.050
720
41
18.000
1.500
36
49
125
465
Đến năm 2020
7.600
720
59
24.000
1.900
85
92
229
650
-  Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực nghiệm, thực hành, đào tạo cán bộ để có đủ điều kiện áp dụng hệ thống đào tạo kết hợp:
  • Trường - Xưởng” đối với các chuyên ngành kỹ thuật;
  • Trường – Tàu huấn luyện” đối với các chuyên ngành hàng hải;
  • Trường – Doanh nghiệp” đối với các chuyên ngành kinh tế, quản lý.
Định hướng đổi mới trọng tâm, phương thức nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ (tiến tới có khả năng định hướng công nghệ chuyên ngành cho đất nước và khu vực)
Các nội dung nghiên cứu trọng tâm (làm cơ sở để xây dựng các phòng, trung tâm thí nghiệm, thực nghiệm quốc gia) dự kiến:
-  Bảo vệ môi trường thuỷ, nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu.
-  Phát triển công nghệ đóng mới, sửa chữa tàu thuỷ, công trình biển và thềm lục địa.
-  Nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm động cơ tàu thuỷ (đặc biệt động cơ dùng nhiều loại nhiên liệu, nhiên liệu sinh học biofuel).
-  Logistics và chuỗi cung ứng.
-  Tự động điều khiển hàng hải.
Định hướng đổi mới phương thức quản lý, kiểm định chất lượng
-  Phân cấp mạnh trách nhiệm quản lý; định lượng hoá khối lượng công tác cho các đơn vị hành chính; giao quyền chủ động cho các trường, khoa trực thuộc.
-  Xây dựng hoàn thiện hệ thống thanh tra, kiểm định, đánh giá chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khối lượng/kết quả công tác của tất cả các đơn vị thành viên.
Định hướng đổi mới cơ cấu tổ chức
Trong giai đoạn này, dự kiến sẽ xây dựng 5 trường đại học thuộc đại học trọng điểm ngành. Các trường đại học được thành lập trên cơ sở các chuyên ngành chính của kinh tế biển gồm:
-  Học viện Hàng hải thành lập trên cơ sở các Khoa Điều khiển tàu biển, Máy tàu biển, một số ngành hàng hải khác, đồng thời mở rộng thêm một số ngành đào tạo mới, được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ.
-  Trường Đại học Kinh tế được thành lập trên cơ sở Khoa Kinh tế Vận tải biển và một số ngành đào tạo mới, được xây dựng tại Khu 484 Lạch Tray hiện có.
-  Trường Đại học Kỹ thuật tàu thủy được thành lập trên cơ sở Khoa Đóng tàu và mở rộng thêm một số ngành mới, được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ.
-  Trường Đại học Kỹ thuật Công trình được thành lập trên cơ sở Khoa Công trình thuỷ, mở rộng thêm một số ngành đào tạo mới và được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ.
-  Trường Đại học Kỹ thuật Điện - Điện tử được thành lập trên có sở Khoa Điện - Điện tử tàu biển và mở rộng thêm một số ngành đào tạo mới và được xây dựng tại cơ sở mới ở xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy.
Trường cũng sẽ thành lập và nâng cấp một số Khoa, Trung tâm trên cơ sở các Ngành, Khoa hiện có như:
  • Khoa Công nghệ thông tin
  • Khoa Công nghệ môi trường
  • Trung tâm Giáo dục thể chất
  • Trung tâm Giáo dục quốc phòng
Bên cạnh đó Trường cũng sẽ xây dựng một số trung tâm thực nghiệm quốc gia do các doanh nghiệp khoa học – công nghệ điều hành.
Như vậy tổ chức hệ thống Đại học sẽ gồm các bộ phận chính yếu sau:
-  Các đơn vị quản lý hành chính.
-  Các trường thành viên và khoa trực thuộc.
-  Các đơn vị thành viên đóng vai trò nguồn lực chung.
-  Các trung tâm đào tạo/huấn luyện chuyên ngành (hàng hải, logistics . . .).
-  Các doanh nghiệp thực tập/sản xuất (các chuyên ngành kỹ thuật).
-  Các phòng/trung tâm thí nghiệm/thực nghiệm quốc gia do các doanh nghiệp khoa học công nghệ vận hành. Các lĩnh vực cần đạt trọng tâm nghiên cứu/thực nghiệm trong thời gian tới gồm: Khoa học và công nghệ hàng hải; Công nghệ đóng tàu; Môi trường biển; Công trình biển và thềm lục địa.
-  Các doanh nghiệp, công ty liên doanh thuộc trường.

Tin liên quan